Những điều cần biết về Google Chrome OS


Như chúng ta đã biết, Google vừa công bố dự án hệ điều hành Chrome OS, vậy chúng ta cùng tìm hiểu các đặc điểm của hệ điều hành này.

1. Trình duyệt Chrome sẽ là một phần của hệ điều hành:

Trình duyệt Chrome nay sẽ trở thành Shell của hệ điều hành, tương tự như Explorer của Windows, điều này có nghĩa là nó sẽ cung cấp giao diện chính cho người dùng tương tác với máy tính. Và bởi vì Google thiết kế ra Chrome OS cho người chuyên lướt web nên điều này cũng dễ hiểu, bạn bật máy tính, vào facebook, lướt web, đọc tin tức, duyệt mail, thậm chí soạn thảo văn bản hay mở bảng tính, tất cả đều qua web nhờ sự trợ giúp của trình duyệt Chrome.

Tuy nhiên những người yêu thích Firefox có lẽ cũng vẫn an tâm vì theo thiết kế thì việc sử dụng trình duyệt Chrome OS là không bắt buộc, nó có thể được thay thế một trình duyệt Linux x86 khác, tất nhiên từ giờ cho đến khi ra mắt, các nhà phát triển FireFox cũng phải tạo ra một phiên bản Chrome OS – enabled.

2. Các ứng dụng trên Chrome đều sẽ là ứng dụng Web:

Sẽ không có bất kỳ chương trình truyền thống nào được dùng trên Chrome OS, bạn sẽ bỏ đi mọi ứng dụng quen thuộc chạy trên desktop như trước đây. Chỉ có một số rất ít ứng dụng được cài sẵn chạy trực tiếp ngay trên máy tính, nhưng nó cũng sẽ mang giao diện web, như các trò chơi đơn giản, trình nghe nhạc…

3. Dữ liệu được chủ yếu lưu trên các “đám mây”:

Dữ liệu của bạn sẽ được lưu trữ trên các máy chủ ở “đâu đó”, điều này giúp bạn có thể truy cập từ bất kỳ máy tính nào, bạn không cần phải sao lưu, nhưng để người dùng quen với việc này cũng không dễ, vì những dữ liệu quan trọng có thể sẽ là cả tài sản cuản bạn, việc đưa nó lên một máy chủ nào đó ngoài tầm kiểm soát đôi khi không phải là một ý kiến hay.

Trước đây Larry Elisson, chủ tịch Oracle, cũng từng cổ súy cho mô hình này, với mong muốn xô đổ tượng đài Windows, nhưng đã thất bại. Có thể giờ đây thời thế đã thay đổi, Internet và băng thông rộng đã phổ biến hơn, người dùng cũng dành nhiều thời gian làm việc trên web hơn, các ứng dụng Internet cũng phong phú hơn nhiều, bản thân Google cũng chẳng phải tay vừa, vậy nên biết đâu cuộc chiến này sẽ có một kết cục khác :).

4. Sẽ chưa có Chrome OS ngay cho người dùng:

Theo kế hoạch, 10/2010 Chrome OS mới bắt đầu được phát hành, tuy nhiên phiên bản này có lẽ chủ yếu được cài sẵn trong một số dòng máy, Google đã bắt tay với một số nhà cung cấp máy tính lớn để xây dựng các hệ thống chạy hệ điều hành này, cũng như các phiên bản cho các dòng netbook đã có.

Tuy nhiên hiện tại bạn đã có thể tải về mã nguồn và build nó: http://www.chromium.org/chromium-os/building-chromium-os. Tuy nhiên từ giờ cho tới lúc phát hành thực sự, có lẽ sẽ còn có nhiều thay đổi.

5. Ổ cứng đối với máy tính chạy Chrome OS không còn quan trọng:

Ổ cứng trước đây được dùng để chứa dữ liệu và các chương trình, nhưng nay vì tất cả đã được đưa lên web, do vậy nó chỉ còn là nơi chứa hệ điều hành, bao gồm cả trình duyệt Chrome OS. Dung lượng mã nguồn hệ điều hành sau khi nén lại khoảng 232MB, và trình duyệt là 803MB (không rõ tại sao to như vậy), có lẽ bản cài đặt sẽ thừa sức nằm gọn trong một ổ cứng 4GB tính luôn phân vùng swap, thậm chí có thể chỉ trong 2GB. Dung lượng nhỏ kết hợp với việc chủ yếu chỉ đọc, có lẽ các netbook được thiết kế riêng cho Chrome OS chỉ cần trang bị các ổ đĩa dạng flash giá rẻ, chi phí, điện năng tiêu thụ và giá thành do vậy sẽ được giảm đáng kể.

6. Khả năng tự sửa lỗi:

Theo thiết kế, khi khởi động, Chrome OS sẽ tự kiểm tra các thành phần của nó, nếu thấy có gì bị thay đổi, nó sẽ tự động kết nối và tải về lại, rồi khởi động lại với phiên bản mới lấy về. Như vậy, các nguy cơ về việc thay đổi hệ thống sẽ bị loại trừ, cộng với việc dữ liệu được lưu từ xa, các ứng dụng cũng chạy từ xa, Chrome OS sẽ trở thành hệ điều hành an toàn nhất.

7. Bạn luôn phải online nếu muốn dùng Chrome OS:

Như vậy, rõ ràng để dùng được hệ điều hành của Google, bạn không thể ở chế độ offline, vì sẽ không thể truy cập được các ứng dụng và dữ liệu. Không rõ Google Gear có thể giúp ích gì không, tuy nhiên nếu có thì vẫn luôn có những hạn chế của nó. Thêm nữa, hiện tại bạn cũng sẽ không thể dùng Wifi khi đang di chuyển, do vậy ở Việt Nam, cho đến khi nào 3G còn chưa phủ sóng rộng rãi, và “chưa rẻ”, thì một chiếc máy cài ChromeOS có lẽ vẫn chỉ là một chiếc máy “di động cố định” 🙂

Kết luận

Rõ ràng, việc tạo ra một hệ điều hành cho máy tính cá nhân cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh trực tiếp với Microsoft. Tuy nhiên, qua những gì Google đang làm, ta có thể thấy phân khúc họ hướng đến chỉ là các hệ thống giá rẻ, yêu cầu người dùng đơn giản. Lợi thế khi chọn phân khúc này là người dùng không muốn chi nhiều tiền cho máy tính và phần mềm, số lượng phần cứng cần hỗ trợ ít, các ứng dụng web cũng đã có sẵn khá nhiều, điện toán đám mây đang là mốt… Nhưng thực tế, việc tranh giành thị phần với MS không hề đơn giản, Apple, Linux… đã làm điều đó từ nhiều năm nay, nhưng cũng chỉ lấy được một phần nhỏ trong miếng bánh.

Tuy nhiên, cùng với việc ra đời ngôn ngữ Go, chúng ta có thể thấy được tham vọng của Google trong việc thay đổi cách sử dụng Internet, họ muốn làm cho Internet trở thành một nền tảng, máy tính cá nhân chỉ còn là một phương tiện nhập liệu và hiển thị. Trình duyệt Chrome chạy trên ChromeOS, truy cập vào các ứng dụng trên các máy chủ của Google, tải về dữ liệu cũng từ các máy chủ của Google. Việc xử lý trên trình duyệt sẽ dùng Go, vốn được hỗ trợ bởi, thay cho Javascript, giúp cho khả năng tương tác với người dùng, khả năng tương tác với máy chủ tốt hơn.

Dù gì đi nữa, việc có nhiều công ty cùng tham gia sẽ giúp cho người dùng có nhiều lựa chọn hơn, giá thành cũng sẽ rẻ hơn.

“Chỉ có anh em lập trình là khổ, chưa học xong cái này nó đã ra các khác, thành ra các gì cũng biết nhưng lại chẳng đâu ra đâu, he he”

***************************************************************************************************************************



Leave a comment